» »Unlabelled » Học sin cos để làm gì?

Vài hôm trước khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp PTTH , tôi lướt Facebook và đọc được status của một em học sinh lớp 12, mà có lẽ trong công cuộc ôn thi quá vất vả và căng thẳng nên em đã không giấu nổi sự gay gắt. Tôi không nhớ chính xác nội dung, đại để là: "học sin cos, giải phương trình để làm gì trong khi chẳng bao giờ dùng đến. Sau này đi chợ mua bó rau cũng phải mang phương trình ra tính tiền hay sao."

Chợt nghĩ lại, tôi của những năm tháng học sinh "đầu tắt mặt tối", ngày đêm chong đèn học bài cũng đã từng rất nhiều lần thốt lên những câu nói như vậy. Tôi là một đứa không hề giỏi toán, phải nói rằng 12 năm đi học chưa bao giờ tôi được liệt vào dạng học sinh giỏi môn tự nhiên. Thậm chí tôi còn nhớ như in vào một ngày hè năm lớp 7, sau khi thi học kỳ toán xong tôi đã uất hận mà hét lên một câu vô cùng ngớ ngấn: "Dù có giỏi toán thì chắc chắn sau này cũng không bao giờ làm nghề gì liên quan đến toán học." Càng học lên cao, tôi càng ù cạc giữa mớ lùng nhùng phương trình, đẳng thức, trong cơn mơ ngủ vẫn mắc kẹt đâu đó nơi hình học không gian. Vô cùng ấm ức khi đọc những trang báo về nền giáo dục nước ngoài dễ dàng hơn Việt Nam, toán học không hề nặng và khó như ở mình, và người ta thoải mái lựa chọn môn học mà mình yêu thích. Phải nói là vô cùng uất hận. Toán khi đó thật là một môn học hết sức vô bổ, tầm thường và vớ vẩn.





Cho đến một ngày, khi đi học thêm văn - môn mà tôi học chăm chỉ nhất, và nghĩ là mình giỏi nhất để có chút tự hào trước lũ dân toán học kia, cô giáo dạy văn đã nói một câu khiến tôi bất ngờ : "Những đứa học tốt toán thường rất thông minh, nhanh tiếp thu và giỏi hầu như tất cả các môn còn lại, kể cả văn, nếu chúng nắm được cách học." Tôi như bị một đòn choáng váng. Vô vàn những nghi hoặc và thắc mắc tầng tầng lớp lớp phủ kín suy nghĩ của tôi. "Bọn chúng" giỏi thật chăng? Và chúng chẳng cần tốn thời gian cày cuốc văn chương cũng có thể giỏi... như mình? Thậm chí là hơn. Tôi bắt đầu âm thầm để ý kỹ hơn, quan sát nhiều hơn. Và ngậm ngùi nhận ra hình như đúng là như vậy. 10 người giỏi toán thì 9 người thông minh, đến cả nói chuyện cũng sắc xảo, 1 người còn lại thì tính tình tuy dị và ít nói, nhưng tổng kết môn nào không dưới thì cũng suýt soát 9 phẩy - kể cả văn!!!.

Tôi bắt đầu đổi thay suy nghĩ về Toán.





Quay lại chủ đề chính tôi muốn nói, vậy chúng ta học toán để làm gì? Có cần phải học những kiến thức toán quá phức tạp hay không trong khi ngoài đời thực phần lớn chúng chẳng có tính ứng dụng?

Đúng là chúng chẳng có tính ứng dụng. Tôi nhận thấy sau một năm học Đại học 70% các bạn sinh viên chẳng nhớ nổi những đẳng thức, bất đẳng thức cô-sin. Hoặc tệ hại hơn nữa là như tôi - nhớ mãi mới ra nổi tên của các dạng toán. Lên Đại học thông thường vẫn phải học toán cao cấp hay toán xác suất, và cũng tương tự, phần lớn các sinh viên ra trường nếu không làm trong ngành nghề cần dùng tới chúng thì quên bằng sạch.



Nhưng toán mang lại cho chúng khả năng tư duy. Nếu khả năng tư duy, logic của bạn mãi mãi chỉ dừng lại ở việc...tính tiền đi chợ, thì so với cả xã hội ngày càng đi lên, bạn có thấy mình đi xuống hay không? Nếu suốt 12 năm học phổ thông, và 4,5 năm đại học, bạn chỉ học đến cộng trừ nhân chia là đủ, não bộ của bạn sẽ phải vận động, phải tìm cách tạo nên những nếp nhăn mới bằng cách nào? Hay chỉ đơn giản là thỏa mãn với những gì mình cần đến là đủ, và gián tiếp tiếp tay cho việc làm thụt lùi xã hội, thụt lùi đất nước.

Du học sinh Việt Nam (phần lớn những bạn du học bằng học bổng) sang học tập ở nước ngoài thường học rất khá và đồng đều tất cả các môn, rất nhiều bạn đứng top đầu, liên tục được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ. Các bạn ấy nói rằng chẳng phải mình thông minh kiệt xuất hay IQ cao hơn các đồng môn từ quốc gia khác, mà có thể nói đơn giản là chương trình học ở Việt Nam khó quá, khó hơn nước ngoài nhiều. Nên những bài toán mà bạn bè cùng lớp vò đầu bứt óc, thì họ làm ngon nghẻ như trở bàn tay. Thời gian học do đó cũng tiết kiệm hơn và họ có điều kiện để dành thêm sự quan tâm cho các môn học khác. Mặt khác, sự tư duy tốt do được rèn luyện cũng giúp họ sắc xảo và nhạy bén hơn rất nhiều.







Nhưng nói qua thì cũng phải nói lại. Những lời kêu ca kể khổ phủ đặc new feed Facebook vừa qua, chỉ độc về chuyện giám thị coi thi quá gắt gao bởi dư âm từ kỳ thi tốt nghiệp năm ngoái, và những trang báo chụp ảnh phao thi trắng sân trường. Đọc xong, phần thì trách các em quá lười biếng, phần thì thương các em vì nền giáo dục nước nhà liệu có đang đặt lên vai các em những chiếc ba lô chẳng vừa sức? Không chỉ riêng về toán, mà tất cả các môn học khác. Khi mà "sự rèn luyện tư duy" đã đi quá giới hạn của nó, những gánh nặng khó nói nổi thành lời, những trường hợp tự tử hoặc vào viện tâm thần vì áp lực học hành, thi cử xuất hiện trên mặt báo ngày một nhiều thêm... Bố mẹ, ông bà, thầy cô nhiếc móc, "Ngày xưa chúng tao vừa học vừa chăn trâu cắt cỏ, ấy thế mà bài toán nào cũng đọc đề là làm ngay cái một, chúng mày ngày nay ăn sung mặc sướng, đi thi chỉ được có từng ấy điểm, sướng quá hóa rồ rồi."

Sống trong một môi trường như thế, liệu có tư duy nổi không để mà rèn luyện đây, sin cos ơi :( ?

About Unknown

Hi there! I am Hung Duy and I am a true enthusiast in the areas of SEO and web design. In my personal life I spend time on photography, mountain climbing, snorkeling and dirt bike riding.
«
Next
Newer Post
»
Previous
Older Post

No comments:

Leave a Reply