“Có cái quái gì hấp dẫn ở cái xứ đó thế, đồ ăn đắt đỏ, quán xá nhếch nhác và người phục vụ như bố thí đồ ăn cho khách”, anh bạn tôi ghé Hà Nội vài tuần lễ đã nói với tôi như thế sau khi ngúng nguẩy bỏ đi, kèm theo một lời dặn dò: “Về quê, về quê mà sống cho lành chú ạ”.
Hà Nội có gì hấp dẫn thế ?, tôi cứ quẩn quanh với câu hỏi ấy khi quẹt mồ hôi trong căn phòng chật chội ngày nóng, khi đóng sầm cửa lại để tránh lời rủa riếc của một bà hàng xóm khó tính và khi phải tính toán chi li cho những thứ quá ư đắt đỏ ở xứ Kinh thành một thủa này.
Hà Nội có gì hấp dẫn thế?. Câu hỏi đó thật ra không khó trả lời, chỉ chăng đôi lúc chúng ta không diễn đạt được một cách rành rõ, phân định cảm xúc của mình thành những thứ riêng thật khó.
Những cô bé cậu bé chốn non cao phải đối mặt với cái rét lạnh căm bằng những bộ đồ cáu bẩn rách rưới sẽ không cảm nhận được cái lạnh bằng cảm nhận của những người miền xuôi, câu nói trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” khi diễn tả cái khổ của nhân vật Mỵ “Sống lâu với cái khổ Mỵ quen rồi”, dường như cũng có thể áp dụng cho chúng ta, những người sống ở Hà Thành, mà rộng ra là ở nhiều đô thị: “Sống lâu với ngột ngạt, người thành phố quen rồi”.
Mỗi con người đều là một thực thể của tự nhiên, thì phố xá cũng tiềm trữ trong mình những tính cách riêng có. Nếu tôi thấy ở Tp.HCM là một gã trai mới lớn, ào ạt sống, ào ạt đua tranh để khẳng định mình thì tôi thấy ở Hà Nội có cái dịu dàng chậm lắng của một thiếu nữ chốn Kinh kỳ, bị cuốn vào một cuộc xung đột khó tránh của thời buổi kim tiền vội vã.
Bạn hãy một lần lượn phố đêm Hà Nội, khi cái náo nhiệt thường ngày của xe cộ lùi vào trong những nhập nhọe ánh đèn, khi một cơn mưa bất chợt, nhẹ và ngắn thôi đổ xuống phường phố. Ánh đèn loang loáng phả xuống, ta một mình đi trên con đường ấy, thấy thoang thoảng mùi của mưa, thấy cái thanh sạch như một cơ thể vừa được gột rữa,…rồi một chiếc xe rồ máy vút qua, tiếng cười gằn gặt của những gã trai tóc xanh tóc đỏ vừa đập phá ở đâu đó lượn về…quăng ra vô định.
Cuộc sống đô thị, đôi khi ta mường tượng nó như một gã trai lạnh lùng, hắn cứ lúi cúi làm lụng, giấu diếm hết mọi yêu thương. Để rồi một lúc nào đó, ta thấy nó lại sừng sững xuất hiện, đem đến niềm vui nho nhỏ.
Đó là khi ta thấy một bàn tay nhỏ xíu của một em bé đặt lên chiếc xe rác của một cô lao công đang nặng nhọc đẩy lên dốc, đó là khi ta thấy, một bàn tay mượt mà của một cô gái đài cát nâng đỡ một người bán đồng nát quần áo lấm bẩn vừa bị ngã sau một cú va chạm….Hay giản đơn và thường nhật hơn, đó là khi ta gác mọi lo toan muộn phiền của công việc, để gặp bạn bè bên những cốc bia sủi bọt.
Sấu Hà Nội, nếu Hà Nội là một thiếu nữ, thì Sấu Hà Nội là một thứ trang sức thôn dã không “đụng hàng”, làm dịu đi biết bao nhiêu cái hầm hập của phố xá.
Hà Nội mùa này sấu chín chưa em?
Hàng me Sài Gòn đang vào mùa thay lá
Thoang thoảng vị chua khiến lòng anh nhớ quá
Nhớ mùa sấu rụng phố Tràng Thi
Nhớ dáng em ngồi, nhớ bước em đi
Nhớ tiếng em cười, hờn ghen bóng gió
Yêu em, yêu em vì em là ngọn lửa
Hơ ấm lòng anh khi tất cả đã xa vời
Tuổi đang yêu chua chát cũng ngọt bùi
Trái sấu chia đôi tay - và - tay - chấm - muối
Chỉ có vậy mà lòng anh bối rối
Ðể bây giờ thèm sấu nhớ tay ai?
Sấu với người Hà Nội không đơn thuần là một thứ quả giải khát, cũng không còn là một thành phần của món canh rau muống hay món Vịt om sấu vẫn thường thấy ở quán xá thời nay. Sấu Hà Nội cũng là một nét riêng của Hà Thành vậy.
Để có một mùa Sấu săm sắm quả, để cho bao nhiêu bà nội trợ kỳ công đặt lên kệ bếp, Sấu cũng có một mùa thay lá tuyệt đẹp. Đó là những chiều về trên phố, lá Sấu nhuộm vàng những ngã phố ta qua. Cái sự chuyển đổi thông thường của tạo hóa ấy cũng tự dưng làm cho Hà Nội bỗng nhiên mà thi vị lạ lùng.
Bên những người bạn thân ngày cuối tuần, gọi một cốc nước sấu rồi la liệt hàn huyên…tự nhiên ta cũng yêu thêm đất này. Hà Nội, mùa sấu đã về.
No comments: