Làng nghề gò đúc đồng Đại Bái
Làng nghề gò, đúc đồng Đại Bái cổ xưa có tên làng Văn Lãng hay gòn gọi là làng Bưởi, thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Ngôi làng nằm trên một dải đất cao bên bờ sông Bái Giang (một nhánh của sông Thiên Đức cũ), cách đường 182 khoảng 1km.
Đại Bái từ xa xưa đã nổi tiếng là làng thủ công truyền thống chuyên sản xuất đồ đồng phục vụ về mặt dụng cụ gia đình, ban đầu mới chỉ làm xoong nồi thô sơ, sau mới có ấm, mâm, chậu thau và cho đến đầu thế kỷ XI nhờ công của ông Nguyễn Công Truyền, dân làng tôn ông là “Tiền tiên sư”, bởi ông là người biết lo tổ chức sản xuất cho làng nghề và sáng tạo mẫu.
Nhờ có sự tổ chức sản xuất hoàn chỉnh đã giúp cho Đại Bái nhanh chóng phát triển với sự nâng cao rõ rệt về kỹ thuật luyện đồng: Lấy đất sét bờ sông xây ò đúc, lấy bùn ao nhào với tro trấu làm nơi luyện đồng, đồng pha kẽm làm đồng thau… và tạo thêm được nhiều sản phẩm mới được chế tác từ đồng như: Tượng đồng, đỉnh đồng, lư hương, lọ hoa, tranh, câu đối bằng đồng… Ngày nay, làng nghề gò, đúc
đồng Đại Bái gìn giữ được nghề truyền thống và phát triển mạnh mẽ, với những hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh, có sự cải tiến kỹ thuật và tự trang, tự chế ra máy móc như máy cán, máy dập, máy đánh bóng…tìm kiếm thị trường xuất khẩu, khẳng định được vị thế của một làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu của Việt Nam. Bên cạch đó, làng nghề đúc đồng Đại Bái còn gìn giữ được nhiều di tích lịch sử – văn hóa có giá trị, tiêu biểu như: Khu lăng tổ sư nghề đồng Nguyễn Công Truyền, đình Văn Lãng, đình Diên Lộc, chùa Diên Phúc và Lễ hội Làng truyền thống làng Đại Bái – nơi tôn vinh những sản phẩm truyền thống được làm từ đồng, tôn vinh những tấm lòng gắn bó với nghề và lưu giữ những nét đẹp văn hóa của quê hương được tổ chức hàng năm vào ngày 10 tháng 4 Âm lịch.
Nét đẹp văn hóa và sức phát triển mạnh mẽ của một làng nghề thủ công truyền thống đã đưa
đúc đồng Đại Bái trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn trên quê hương Quan họ Bắc Ninh.
No comments: