» »Unlabelled » Bâng khuâng Trường Sa

Trường Sa. Trong hai tiếng ấy dường như không để lại cho nó bất kỳ cảm xúc gì ngoài việc biết đấy là tên của một địa danh nằm trên bản đồ đất nước và những thông tin nhan nhản trên các phương tiện thông tin đại chúng, cho đến một lần… Gặp thằng em để tìm kiếm dữ liệu tâm linh cho ý tưởng đã định hình còn thiếu một cảm xúc khác. Rõ nét.
Giữa một buổi trưa Sài thành không có mưa ghé ngang, chỉ có những cái nóng bức hiện hình trên gương mặt của những con người chạy lướt ngang. Vội vã.
Một ký ức chưa đủ để gọi là một thời về lại. Thằng ku ngồi kể. Một thời nhập ngũ. Nó đã một đến với Trường Sa. Tự hào. Một thời tuổi trẻ nhiệt huyết với những gì sống và cháy. Cảm giác. Lửa thắp lên lại trong lần kể, lửa âm ỉ một thời trai trẻ chỉ cần gió để thổi bùng ngọn lửa lên thôi. Nó chọn biển đảo trong ánh mắt nhìn lạ lẫm trong lần đăng ký.
Rời xa nhau đêm về thành phố.
Ngóng tin xa con sóng hoàng hôn.
Tuổi 20 chưa từng hò hẹn. Trong đêm mơ vẫn gọi mẹ ơi...
Trường Sa. Một hình ảnh với biển trời mênh mông đẹp như một bức tranh thủy mặc với nước biển long lanh nhìn thấy tận đáy với cá, mực bơi theo đàn. Nghênh ngang. Từng đàn nối tiếp nhau cứ như ở một chốn không người.
Đánh lẻ sự tưởng tượng, chen ngang vài cảm xúc. Lạ. Ký ức về một thời làm lính hiện về với những đêm canh khuya ôm súng bên mình. Sợ ma. Chẳng còn khi đã gặp nhiều!? Những chuyện tâm linh đi vào dĩ vãng khi ở tuổi bẻ gãy luôn cả sừng trâu, cà nông vươn lên chỉ cần hai thằng là đủ. Tự tin.
 photo images.jpg
Đánh đố sự tưởng tượng, chen qua vài cảm xúc. Khác. Nó ngồi nghe từ nắng trưa đến chiều về gặp nắng hoàng hôn. Thấy đâu đấy hình ảnh của một ngày xưa cũng qua lời kể, có một gã đàn ông ôm súng trong những ngày biệt động Sài Gòn. Gã đàn ông mà nó chẳng biết gọi là ba hay cha cho trọn một danh xưng vùng miền. Trung đoàn trưởng tiểu đoàn… biệt động thành ngày ấy. Bỗng. Thấy Sài Gòn ngợp lá cờ bay, khói lửa nào đấy một thời quay trở lại. Bùng cháy. Ngập tràn. Hiến dâng.
Nó nhấp một ngụm nước, kéo mình về với câu chuyện kể về một thời súng ống, khói cay. Sắp sửa. Ở đâu đây trên mảnh đất này, ở biển đảo, đấu tranh trên trang giấy mực viết thành dòng không mệt mỏi. Đòi chủ quyền. Những gì ức chế, những gì giận dữ tất cả cứ trút cạn trên những dòng chữ viết và tất cả những gì kêu gọi cũng không nằm ngoài những dòng chữ viết ấy. Tất cả cứ như những mũi tên lao thẳng về phía quân thù!?
Anh hùng hay chẳng anh hùng. Quân tử hay phi quân tử. Tất cả cứ như một thứ gì đấy cứ bao trùm, chẳng biết, cảm xúc cứ thế dìu dắt suy nghĩ nó về biển đảo. Trường Sa. Định hình trong nó một sự tò mò.
Bỏ đánh lẻ sự tưởng tượng. Chen ngang. Nghe đâu đó có câu chuyện của một người bạn, có đứa con vừa tuổi mười tám cứ quyết lòng mình đến với biển đảo Trường Sa. Nghe tiếng gọi thanh niên đâu đó có nỗi lo lắng không định hình trong nỗi lòng người mẹ khi ngày ngày tiếp xúc với những dòng thông tin chính thống và không chính thống đối nghịch nhau. Tất cả trở thành một màn sương bao lấy miền biển đảo. Tự dưng. Nó cũng muốn ra đấy một lần. Một lần thôi để biết biển đảo đẹp thế nào. Thế thôi. Tuổi trẻ với nó đã qua đi!?
Bao xương máu đắp hình hài Tổ quốc.
Vang vọng về dòng máu Lạc Hồng xưa.
Giữa đảo xa lá cờ bạc nắng gió.
Bỗng trong tôi mắt lệ dâng trào...
Bỏ đánh đố sự tưởng tượng. Chen qua. Câu hỏi. Đất nước gọi nó có trả lời không!? Nó cũng chưa biết. Chỉ biết rằng với hiện tại, nó chỉ cần bình yên.
Bình yên. Trong tiếng trẻ khát sữa đòi bú dưới một mái nhà có cơn mưa ngang qua, sấm chớp làm giật mình rút vào bầu ngực mẹ.
Bình yên. Trong chuỗi đời ngược xuôi với cơm, áo, gạo, tiền. Đắp đổi. Một ngôi nhà và đứa trẻ. Không còn mơ mộng nữa.
Bình yên. Để cho những câu chuyện về một trung đoàn trưởng biệt động thành không phải đem ra kể như một hoài niệm của người tình tóc bạc trong vài lần ghi nhớ về một hình ảnh của một người mà nó chẳng biết gọi sao cho trọn một danh xưng vùng miền. 

About Unknown

Hi there! I am Hung Duy and I am a true enthusiast in the areas of SEO and web design. In my personal life I spend time on photography, mountain climbing, snorkeling and dirt bike riding.
«
Next
Newer Post
»
Previous
Older Post

No comments:

Leave a Reply